Bà Nà Hills đỉnh núi của sự hồi sinh

Bà Nà được Sun Group hồi sinh như thế và sẽ còn tiếp tục được tái sinh, tựa một kiệt tác được tạo nên bởi người đến sau trong khát vọng không ngừng chinh phục đỉnh cao của nhân loại.

Cách đây 9 năm, những người công nhân mồ hôi trộn nước mưa, gian khổ, luồn lách qua khu rừng nguyên sinh khênh vác từng thanh sắt, từng tảng đá lên đỉnh núi Chúa với nhiệt huyết và quyết tâm “đánh thức” nàng công chúa ngủ quên trong rừng, để rồi hiện hình một Bà Nà mang vẻ đẹp mà bất cứ ai nhìn ngắm một lần cũng phải xiêu lòng!

Từ nàng công chúa say ngủ…

Từ khởi thủy, ngọn núi Chúa đã là một kiệt tác của tạo hóa, hoang sơ và thơ mộng, kỳ vĩ và yên bình, nơi du khách có thể cảm nhận trong một ngày có bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông rõ rệt. Núi Chúa đẹp đến nỗi người Pháp đã chọn làm trung tâm nghỉ mát cho giới quan chức và kiều dân trong những năm đầu thế kỷ XX và trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của toàn Đông Dương. Biệt thự được mọc lên, hầm rượu được xây dựng xuyên vào lòng núi, bệnh viện, bưu điện và cả ngân hàng cũng được dựng lên tại đây như những minh chứng cho một thời Bà Nà cực thịnh dưới bàn tay người Pháp.
45
Bà Nà hiện nay nhìn từ trên cao.

Thế nhưng bom đạn tàn phá nặng nề khiến Bà Nà hoang phế, chỉ còn là một ngọn núi mù sương, vương lại đâu đó vài chứng tích mà người Pháp để lại đã bị phủ kín bởi cây rừng. Bà Nà như một “nàng công chúa” chìm vào giấc ngủ say đến gần nửa thế kỷ. Núi đồi heo hút với những cánh rừng nguyên sinh huyền bí, sương khói mờ ảo bao phủ quanh năm trên đỉnh núi cao đến 1.489m. Con đường duy nhất lên ngọn núi Chúa do người Pháp xây dựng đã bị tàn phá, xe ngựa không còn, kiệu ghế cũng đã hết thời, chỉ còn những con đường đất ngoằn ngoèo, bên vách đá vực thẳm, bên núi cao đá rơi… Cho đến một ngày, núi Chúa được “đánh thức” bởi những khối óc và bàn tay xây dựng của con người Đà Nẵng, trả lại một khu nghỉ mát xứng tầm với vẻ đẹp của tạo tác. Con đường nhựa ngoằn ngoèo được khai thông trên nền đường cũ, hệ thống cáp treo dài 800m cũng được xây dựng, cầu treo nối trung tâm sườn Bắc núi Chúa được dựng lên, rồi khu trung chuyển nhà trưng bày, phòng nghỉ… mọc lên. Nhưng tất cả chỉ mới có thế, chắp vá, nghèo nàn và èo uột. Đã có rất nhiều nhà đầu tư cứ đến rồi lặng lẽ đi, bởi khí hậu khắc nghiệt, núi rừng hiểm hóc và khả năng thu hồi vốn vô cùng khó khăn khiến họ chùn bước…

Bà Nà vẫn im lìm và bí ẩn thế, cho đến khi “” được nhà đầu tư Sun Group mạnh dạn đầu tư, xây dựng theo tiếng gọi của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ. Kể từ năm 2007, những người công nhân của Sun Group đặt những viên gạch đầu tiên trên đỉnh núi này, và mang đến một diện mạo mới đẹp hơn cả mong đợi của những người từng biết đến Bà Nà.
44
Tuyến cáp treo đưa du khách đến với Bà Nà Hills đạt nhiều kỷ lục thế giới.

…đến chinh phục đỉnh cao

Đó là năm 2007, thời khắc mà dường như bản lĩnh và khát vọng của Tập đoàn lấy tên Mặt Trời được gửi gắm toàn bộ vào đỉnh Bà Nà. Hàng trăm tấn sắt thép, nguyên vật liệu được bền bỉ vận chuyển thủ công lên đỉnh núi cao gần 1.500m bất chấp địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt nơi này. Anh Trương Xuân Quỳnh (trú đường Phạm Như Xương, Đà Nẵng), chỉ huy một nhóm công nhân kể lại, con đường tiếp cận Bà Nà dài đến 14 cây số chỉ thấy bên là vách đá, bên là vực sâu, sương mù dày đặc. Khi mưa giăng, khi đường đất trơn trượt, khi lạnh đến cắt da, rắn rết, vắt bao vây… Bị bủa vây bởi bao nhiêu nỗi khó khăn và hiểm nguy, nhưng anh em công nhân vẫn bản lĩnh, bền bỉ xây những trụ cáp đầu tiên mà không xâm phạm đến nguyên trạng của khu rừng nguyên sinh. Nhiều người từng hoài nghi về tính khả thi của công trình, nhưng khi tuyến cáp treo 1 và 2 được xây dựng thành công chỉ trong hơn một năm làm thủ công đã chứng minh khát vọng của Tập đoàn Mặt Trời – khát vọng chinh phục đỉnh cao và làm rạng danh đất Mẹ – đã từng ngày từng ngày trở thành hiện thực. Đúng vào dịp giải phóng thành phố 29-3- 2009, Bà Nà–Núi Chúa được gọi là Đà Lạt miền Trung, là mái nhà Đà Nẵng khai trương đường cáp treo lên đỉnh hiện đại chạy vắt trên cánh rừng nguyên sinh đoạt 2 kỷ lục thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất (5.042m); có độ cao chênh lệch lớn nhất giữa ga trên và ga dưới (1.291m). Chỉ với hai tuyến cáp treo này, “nàng công chúa” Bà Nà đã được tái sinh kỳ diệu, tạo ra một điểm đến, một thương hiệu du lịch đặc thù, một điểm đến hấp dẫn cho kinh doanh du lịch, mà ít nơi nào có!

Từ khi có cáp treo, hầu như ai đến Đà Nẵng cũng muốn đến Bà Nà. Khi hai tuyến cáp treo thường xuyên quá tải, Sun Group quyết định đầu tư tuyến cáp số 3 mang tên Thác Tóc Tiên mang tới 4 kỷ lục thế giới mới, rồi tuyến cáp số 4, số 5 để đáp ứng cho hàng triệu du khách đổ về Bà Nà mỗi năm. Đến với Bà Nà, du khách như thể vừa bước vào một cỗ máy xuyên thời gian bước từ thế giới của thực tại để về miền cổ tích. Giới thượng lưu thì được chiều chuộng bằng các nhà hàng sang trọng như Morin hay Kavkaz và khách sạn bốn sao như Morin hay Mercure. Giới trẻ sôi động thì được thỏa sức vui chơi với công viên Fantasy lớn bậc nhất Đông Nam Á. Kẻ tín điều đi tìm nơi chiêm bái thì chìm đắm trong không gian trầm mặc thiêng liêng bên chùa Linh Ứng hay bức tượng Thích ca Mâu Ni khổng lồ. Người hoài cổ thì tìm đến khu Làng Pháp với những mái vòm cổ, những tòa lâu đài rồi thánh đường nhuộm màu rêu phong mang âm hưởng của thế kỷ XIX. Chẳng bao lâu nữa, Làng Pháp sẽ không còn tĩnh tại như vậy nữa, mà sẽ sống động với những con phố mua sắm sắc màu đặc trưng của Paris một thời, nơi những chiếc xe đẩy chở đầy hoa dựng ven đường, nơi các họa sĩ đang thả hồn bên giá vẽ, nơi các chàng kỵ sĩ và các cô gái nông thôn nước Pháp xưa đang hẹn hò dưới những con đường dài treo ô xanh đỏ…

Bà Nà được Sun Group hồi sinh như thế và sẽ còn tiếp tục được tái sinh, tựa một kiệt tác được tạo nên bởi người đến sau trong khát vọng không ngừng chinh phục đỉnh cao của nhân loại.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *