Thủ tướng đề nghị “Doanh nhân nói không với tiêu cực”

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng đặt ra tại hội nghị là các doanh nghiệp phải đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như thế nào?

Ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công.

“Với một tinh thần mới, cách tư duy mới, Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, trên cơ sở đó ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua” – Thủ tướng chia sẻ.
thu_tuong_trao_hcld_hang_3_cho_hiep_hoi_doanh_nghiep_vua_va_nho_dfor
“Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Ngoài ra, Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”, lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi…

Đồng thời, cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng môi trường liêm chính. Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm và không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực.

Tại đây, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân “hãy nói không với tiêu cực”, thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Thủ tướng cũng gợi mở ba vấn đề để phát triển Hiệp hội DNNVV đó là Hiệp hội không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng, thể hiện qua việc các thành viên phát triển nhanh, bền vững. Hiệp hội là cái nôi, là bệ phóng cho những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh của đất nước trong những năm tới. Đồng thời tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu.
thu_tuong_tham_hoi_cac_dai_bieu_tham_du_dai_hoi_bxvt

“Thực tế cho thấy đã có nhiều công ty Việt Nam thành công và đang phát triển mạnh mẽ theo hướng đi này như Công ty Ô tô Trường Hải, Công ty Việt Hưng (công ty đầu tiên trở thành nhà cung cấp của Samsung điện tử), Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội… là những ví dụ điển hình” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Và DNNVV góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta.

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng đặt ra tại hội nghị là các doanh nghiệp phải đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như thế nào?

“Chính phủ sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện một môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định và phát triển. Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh, TP luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước” – Thủ tướng khẳng định.

Tại buổi lễ, Hiệp hội DNNVV cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội DNNVV, với số lượng chiếm đa số (trên 97%), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước…/.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *