Giáo dục chạy đua cho kỳ thi THPT Quốc Gia

Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 theo dạng đề trắc nghiệm, nhiều trường trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chủ động, tập trung triển khai tập huấn đội ngũ giáo viên, tạo ngân hàng đề thi trắc nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Đặc biệt, các trường đang gấp rút dạy học cho học sinh theo định hướng cách ra đề thi của Bộ, cho các em làm quen với đề thi trắc nghiệm.

Chủ động “đương đầu”

Theo phương án thi THPT quốc gia 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc như trước đây gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì thí sinh phải chọn thêm 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí). Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, 4 môn còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng sẽ có mã đề thi riêng và làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm.Theo đó, đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (như vậy mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm), thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Thời gian làm bài thi Toán là 90 phút, bài thi Ngoại ngữ là 60 phút. Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố Dự kiến phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017, việc một số môn học chuyển đổi thành bài thi trắc nghiệm đã khiến nhiều phụ huynh và học sinh ngỡ ngàng, lo lắng, bởi từ trước đến nay, các môn như: Toán, Lịch sử, Địa lý… luôn là môn thi viết, bên cạnh đó các em học sinh sẽ gặp khó khăn trong các môn thi tổ hợp. Trong thời điểm này, nhiều trường THPT đang chạy đua với thời gian, dốc hết tâm sức để giúp học trò “đương đầu” kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều thay đổi so với các năm trước. Các kế hoạch, chiến lược dày đặc cho kỳ thi được các trường liên tục đưa ra, nhằm chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho học sinh tham gia kỳ thi “2 trong 1” đạt kết quả cao nhất có thể.

Thầy Ngô Mạnh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Thành Tài, cho biết: Dù là hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận thì việc dạy và học vẫn phải tập trung vào trọng tâm kiến thức chương trình sách giáo khoa, về phương pháp việc dạy học và kiểm tra đánh giá phải có thay đổi cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm. Học sinh phải làm quen với cách học để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm, phải có kiến thức bao quát, kỹ năng nhận diện đánh giá nhanh vấn đề, thao tác sử dụng máy tính cầm tay đối với môn Toán. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức ôn tập, phụ đạo từng môn học cho học sinh; thầy cô giáo đã hướng dẫn để học sinh nắm được những kiến thức, kỹ năng để vận dụng làm bài dạng đề thi trắc nghiệm. Ở khối lớp 12, các đề kiểm tra 1 tiết, 15 phút của các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân thì 100% đề kiểm tra là câu hỏi trắc nghiệm, nhằm giúp các em làm quen và đáp ứng phù hợp với phương thức đổi mới thi.
491
Học sinh các trường THPT đang được làm quen với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: ST

Giáo viên, học sinh đều lo

Riêng với bài thi tổ hợp, có rất nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn. Một giáo viên cho rằng, thời lượng 150 phút với 3 đề liên tiếp 120 câu hỏi là quá dài. Chưa nói đến độ khó, chỉ đọc đề thôi học sinh cũng hoa mắt, mệt mỏi và có thể lựa chọn đáp án bừa dẫn đến nhiều câu sai sót đáng tiếc. Ví dụ, học sinh đang tư duy môn Lịch sử lại nhảy sang Địa lý rồi Giáo dục công dân khiến căng thẳng, rối bời. Chưa kể, thi theo phương pháp trắc nghiệm buộc học sinh phải ghi nhớ chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật, sự kiện lịch sử.

Trong khi đó, rất nhiều học sinh tỏ ra lo lắng trước phương án thi THPT quốc gia 2017 theo dạng đề trắc nghiệm. Em Tấn Dương (Trường THPT Ông Ích Khiêm) chia sẻ: “Thay đổi hình thức thi theo dạng trắc nghiệm như thế này thì rất khó cho học sinh 12 chúng em. Thời gian quá ngắn để chúng em kịp thích nghi. Việc ghép 3 môn vào một bài thi tổ hợp thì áp lực sẽ rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lúc làm bài thi. Tuy nhiên, các thầy cô đã hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm, nhất là đối với môn học lần đầu thi trắc nghiệm trong năm nay, rồi hướng dẫn sử dụng máy tính để giải toán nhanh nên chúng em cũng có phần yên tâm”.

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, các trường phải tổ chức nghiên cứu, phân tích, bám sát đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT ban hành về nội dung, kiến thức, kỹ năng, số lượng câu hỏi, thời gian làm bài của mỗi môn thi. Các tổ chuyên môn cần thảo luận để đề ra các giải pháp dạy học, biên soạn các bài tập trắc nghiệm phù hợp. Ngoài ra, các trường nên có kế hoạch bổ sung, tăng cường tài liệu tham khảo tại các thư viện, đặc biệt là các tài liệu về kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, đề thi trắc nghiệm để giáo viên và học sinh tham khảo. Trong năm học 2016-2017, đề kiểm tra học kỳ 1, học kỳ 2 và khảo sát thi THPT quốc gia, Sở sẽ tổ chức biên soạn đề 9 môn học gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Giáo dục công dân (đối với THPT) và 7 môn: Ngữ Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học (đối với GDTX). Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *