Diện mạo của đô thị cần phải có sự vào cuộc của giới phê bình kiến trúc

Từ đó rút ra những kết luận, là cơ sở để nhà quản lý điều chỉnh, bổ sung các chính sách, chủ trương phát triển kiến trúc, phát triển đô thị, nhà ở, nông thôn… trong thời kỳ mới.

Tốc độ đô thị hóa nhanh đang làm thay đổi diện mạo kiến trúc, với sự ra đời của hàng nghìn công trình xây dựng hiện đại, quy mô. Tuy nhiên, theo các kiến trúc sư (KTS) tại cuộc Hội thảo khoa học “Công tác lý luận phê bình kiến trúc và sự phát triển kiến trúc Việt Nam” do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức ngày 2/12, việc tìm giải pháp hài hòa cho kiến trúc đô thị là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.
dien-mao-do-thi-can-su-vao-cuoc-cua-gioi-phe-binh-kien-truc-7-073104
Hình ảnh đô thị Việt Nam đang thiếu bản sắc và xây dựng na ná nhau.

Kiến trúc tùy tiện

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Hình ảnh đô thị Việt Nam nói chung là xấu và tùy tiện. Phần lớn các khu đô thị hiện nay được xây dựng na ná giống nhau, thiếu bản sắc. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do chiến lược phát triển đô thị ở tầm vĩ mô và vi mô chưa được xây dựng một cách khoa học và khả thi.

Việc điều chỉnh quá nhiều các quy hoạch đã được phê duyệt làm cho các đồ án mất tính định hướng và uy lực của phát luật trong phát triển đô thị. Trong cơ chế thị trường, điều này bộc lộ khá rõ nhất là việc tiếu kiểm soát quá trình và quy mô đầu tư tư xây dựng các đô thị.

Việc thay đổi, nâng cấp, mở rộng quy mô đô thị cho thấy quyền lực quản lý Nhà nước quá lớn mà trách nhiệm đối với xã hội lại không rõ ràng.

Ngoài ra, việc mời tư vấn nước ngoài thiết kế Quy hoạch mở rộng Hà Nội không được giới chuyên môn kỳ vọng, đặc biệt có những vấn đề về quy trình, về nội dung nghiên cứu, nội hàm văn hóa xã hội, tính khả thi, bảo hành đồ án thiết kế… cần được xem xét kỹ hơn, trên cơ sở hiểu biết tường tận.

“Đáng ái ngại hơn cả, là hiện tượng những đầu tư tiền của lớn, những nỗ lực của ngành xây dựng, của giới KTS chưa nhắm vào sự kiến tạo một xã hội công bằng, hài hòa và cùng hưởng lợi, mà nhắm vào các đô thị lớn, các tầng lớp mới phát đạt lên, không nhằm vào mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt dân nghèo thành thị và nông thôn, chiếm đa phần xã hội hiện nay”- GS.TS Hoàng Đạo Kính cho hay.

Đồng quan điểm, TS.KTS Lê Đình Tri- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cũng nhận định: Tại các đô thị, trật tự kiến trúc của toàn đô thị nói chung và từng đường phố, khu phố nói riêng chưa được thiết lập.

Cụ thể, cảnh quan đô thị là một tổng thể các công trình kiến trúc, công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiên nhiên có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên vẻ đẹp của kiến trúc đô thị. Song nhìn chung, việc cải tạo và xây dựng đô thị vẫn nặng về chắp vá không đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu, xuống cấp, thiên nhiên xâm phạm, môi trường ô nhiễm, nếu không có được tính thống nhất trong tổng thể kiến trúc.

Bên cạnh đó, KTS Lê Đình Tri cho biết thêm, không chỉ kiến trúc đô thị đang “hỗn loạn” mà việc bảo tồn, tôn tạo các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị còn nhiều bất cập. Việc bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc vùng miền chưa được quan tâm hoặc chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị trong điều kiện đổi mới.

Bỏ ngỏ lý luận phê bình kiến trúc

Những bất cập về sự hỗn tạp trong phát triển kiến trúc đô thị âu cũng xuất phát từ nguyên nhân mảng lý luận kiến trúc hiện nay đang bị bỏ ngỏ.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam: Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao trước thực tế sôi động của đời sống kiến trúc hiện nay tiếng nói của lý luận phê bình bỗng trở nên yếu ớt, mờ nhạt, đôi khi bị xã hội quên lãng đến vậy.

Trước những bất cập của kiến trúc đô thị nói riêng và vấn đề gìn giữ bản sắc kiến trúc Việt hôm nay, theo ông Tùng, rất cần sự vào cuộc của công tác lý luận phê bình kiến trúc để có những tổng két tầm quốc gia, để đánh giá khách quan, khoa học… từ quy hoạch xây dựng, đến kiến trúc công trình, xem nó thuộc xu hướng nào có bản sắc văn hóa Việt Nam, có phù hợp với địa khí hậu, lối sống của người Việt Nam hay không và hơn nữa có đóng góp tích cực cho nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững và giàu bản sắc văn hóa.

Từ đó rút ra những kết luận, là cơ sở để nhà quản lý điều chỉnh, bổ sung các chính sách, chủ trương phát triển kiến trúc, phát triển đô thị, nhà ở, nông thôn… trong thời kỳ mới.

“Và đó cũng là cơ sở thúc đẩy sáng tạo của KTS, để cho ra đời những tác phẩm kiến trúc phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của nhân dân, xã hội, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mang bản săc của Việt Nam, chứ không phải là bản sao của người khác” – ông Tùng nhấn mạnh.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *